Cách tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản

bởi admin

Hầu hết lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội ngoài việc tìm hiểu cách tra cứu bảo hiểm xã hội, cách tính số năm để hưởng lương hưu thì chế độ thai sản là một chế độ rất được quan tâm bởi sinh con là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng của người mẹ, đặc biệt là lao động nữ. Trong một số trường hợp, làm thế nào để được hưởng chế độ thai sản khi đã nghỉ việc là câu hỏi chung của nhiều lao động nữ sắp đến ngày sinh con. Dưới đây sẽ là chi tiết các loại giấy tờ cùng trình tự thủ tục để hưởng chế độ này.

1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Trước hết, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật. Và để được hưởng chế độ này khi đã nghỉ việc trước thời điểm sinh con, theo điểm 2.3 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, người lao động phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:

– Trường hợp thông thường: Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

– Trường hợp con chết sau khi sinh: Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con.

Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ thể hiện con chết.

– Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con: Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ.

– Trường hợp người mẹ sau khi sinh không đủ sức khỏe để chăm sóc con: Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Biên bản giám định y khoa của người mẹ.

– Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định: Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai nếu điều trị nội trú; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai nếu điều trị ngoại trú; Biên bản giám định y khoa nếu phải giám định y khoa.

Nếu các giấy tờ nêu trên không thể hiện việc nghỉ dưỡng thai thì có thêm giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

Lưu ý:

– Với tất cả trường hợp trên, nếu thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

– Ngoài ra, khi đi làm thủ tục, người lao động nên mang theo bản sao sổ bảo hiểm xã hội.

2. Thủ tục nhận tiền thai sản

Để tạo điều kiện cho người lao động, pháp luật hiện hành quy định thủ tục hưởng chế độ thai sản khá đơn giản.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nộp hồ sơ theo đúng quy định và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết hồ sơ và tổ chức chi trả tiền chế độ cho người lao động (theo điểm 4.2 khoản 4 Điều 5 Quyết định 166). 

Hướng dẫn cách tính thuế TNCN cho NLĐ có nhiều nguồn thu nhập 

Thực hiện hoàn thuế điện tử theo đúng quy trình

3. Tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh

Hiện nay, lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng.

Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội chỉ rõ: Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

 

 

Rate this post

You may also like

Để lại bình luận